Theo Bệnh viện K Trung ương, ung thư buồng trứng là ung thư đường sinh dục thường gặp ở nữ giới, đứng thứ hai sau ung thư cổ tử cung. Ước tính trên toàn thế giới, mỗi năm có khoảng 240.000 phụ nữ được chẩn đoán có khối u ác tính tại buồng trứng, gần 150.000 ca tử vong. Vì vậy, ung thư buồng trứng là một trong những ung thư nguy hiểm.

1. Tại sao ung thư buồng trứng lại nguy hiểm?

Hình ảnh ung thư buồng trứng.

Vấn đề là phụ nữ thường không nhận biết được các triệu chứng ung thư buồng trứng cho đến khi bệnh tiến triển và ung thư càng phát hiện muộn thì càng khó điều trị. Nếu và khi phụ nữ gặp các triệu chứng, những triệu chứng đó thường nhẹ và bao gồm đầy hơi, sưng hoặc chướng bụng và đi tiểu thường xuyên. Những triệu chứng này sẽ khiến nghĩ đến do tăng cân, hội chứng tiền kinh nguyệt, căng thẳng, đau dạ dày, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc hội chứng ruột kích thích... BS. Nguyễn Tuấn Anh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: "Vì vậy, thông thường khi chẩn đoán, khoảng 2/3 số bệnh nhân ung thư buồng trứng đã lan ra ngoài vùng xương chậu".

Hầu hết vẫn chưa hiểu đầy đủ chính xác nguyên nhân gây ung thư buồng trứng, điều quan trọng là phải biết các yếu tố nguy cơ ung thư buồng trứng phổ biến nhất. Hãy hết sức chú ý trong việc lắng nghe cơ thể mình và nên đi khám ngay lập tức khi thấy những nguy cơ sau:

1.1 Có đột biến gene di truyền

Có một số đột biến gene mà phụ nữ có thể thừa hưởng từ cha mẹ khi sinh làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng, chẳng hạn như hội chứng BRCA1, BRCA2 và Lynch. Ví dụ, khoảng 1% phụ nữ trong dân số nói chung sẽ mắc ung thư buồng trứng trong đời. Ngược lại, phụ nữ có đột biến BRCA1 có 44% nguy cơ, tỷ lệ những người có đột biến BRCA2 là 17% và phụ nữ mắc hội chứng Lynch có 6 đến 8%. Những đột biến này cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư khác.

Ví dụ, BRCA1 cũng có liên quan đến ung thư vú; BRCA2 cũng liên quan đến khối u ác tính (ung thư da) cũng như ung thư vú, tuyến tụy và tuyến tiền liệt; và Hội chứng Lynch cũng liên quan đến ung thư ruột kết và nội mạc tử cung.

Nếu bất kỳ bệnh ung thư nào di truyền trong gia đình, đặc biệt là nếu người thân thế hệ thứ nhất mắc bệnh này (cha mẹ, anh chị em hoặc con cái) được chẩn đoán ở độ tuổi trẻ, hãy hỏi bác sĩ về việc gặp chuyên gia tư vấn di truyền, người có thể giúp tìm hiểu xem liệu xét nghiệm di truyền có phù hợp hay không.

Xét nghiệm di truyền có những ưu và nhược điểm, nhưng một lợi ích chính là nếu phát hiện ra mình có đột biến gene, đặc biệt là ở tuổi trưởng thành trẻ, sẽ có cơ hội thực hiện các biện pháp chủ động giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư trong tương lai.

1.2 Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư buồng trứng

Ngay cả khi không có đột biến gene di truyền, nếu có từ hai người thân trở lên mắc bệnh ung thư buồng trứng thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

1.3 Tuổi tác

Tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến nhất đối với nhiều bệnh ung thư và một nửa số ca ung thư buồng trứng được chẩn đoán ở phụ nữ từ 63 tuổi trở lên. Nghĩa là, có thể sống càng lâu thì tế bào càng phân chia nhiều và khả năng mắc bệnh hoặc đột biến gene càng lớn. Và những thứ này có thể tích lũy dần dần. TS.BSCKII Nguyễn Văn Hùng, Bệnh viện K Trung ương, cho biết: "Khi còn trẻ, cơ thể có nhiều khả năng sửa chữa, khắc phục những sai lầm hoặc đột biến đó".

1.4 Thừa cân

Phụ nữ thừa cân dễ mắc ung thư buồng trứng.

Lời giải thích cho yếu tố nguy cơ này là do hormone. Tác dụng của mô mỡ là nó tạo ra estrogen, việc sản xuất quá nhiều estrogen, đặc biệt ở phụ nữ lớn tuổi sau tuổi mãn kinh, khiến họ có nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng và ung thư tử cung. Thêm vào đó, mô mỡ còn tạo ra một số phân tử có tác dụng phá hủy DNA và gene. Chúng được gọi là tác nhân oxy hóa. Đây là một yếu tố rủi ro nằm trong tầm kiểm soát vì tất nhiên có thể duy trì cân nặng khỏe mạnh thông qua việc ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng hơn và tập thể dục thường xuyên.

1.5 Dùng liệu pháp thay thế hormone estrogen

Sử dụng loại liệu pháp này sau khi mãn kinh có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, nguy cơ cao nhất đối với những người chỉ dùng estrogen (không có progesterone) trong ít nhất 5 hoặc 10 năm.

1.6 Rụng trứng nhiều

Phụ nữ càng rụng trứng nhiều thì nguy cơ mắc ung thư buồng trứng càng cao. Theo BS. Nguyễn Tuấn Anh, trong quá trình rụng trứng, biểu mô hoặc da, nang buồng trứng vỡ ra và giải phóng một quả trứng, sau đó vết vỡ sẽ tự lành lại giống như một vết rách. Quá trình chữa lành đó khiến các tế bào phải phân chia và tái tạo. Và tế bào buồng trứng càng phân chia nhiều thì càng có nhiều khả năng gặp phải các đột biến gene có thể tích tụ theo thời gian và gây ra ung thư buồng trứng. Mang thai, cho con bú và uống thuốc tránh thai đều ngăn ngừa sự rụng trứng, vì vậy chúng đều giúp buồng trứng được nghỉ ngơi.

1.7 Bị lạc nội mạc tử cung

Có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng tăng lên một chút nếu phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung, tình trạng nội mạc tử cung (mô) phát triển bên ngoài tử cung thay vì lót bên trong tử cung và có xu hướng gây ra đau bụng kinh.

2. Các yếu tố phòng ngừa và bảo vệ trước nguy cơ ung thư buồng trứng

Thuốc tránh thai có thể làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư buồng trứng.

Hiện tại không có phương pháp nào để ngăn ngừa ung thư buồng trứng ngoài việc xác định và tránh bất kỳ yếu tố nguy cơ nào có thể thay đổi được.

Không phải lúc nào cũng có thể tránh được các yếu tố nguy cơ gây ung thư buồng trứng, chẳng hạn như tiền sử gia đình. Nhưng nhận thức được những yếu tố này có thể giúp cảnh giác hơn về các triệu chứng để đi khám và phát hiện ung thư buồng trứng sớm hơn.

Vì béo phì là một yếu tố nguy cơ nên duy trì cân nặng vừa phải có thể là một cách để giảm nguy cơ. Có một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và tập thể dục thường xuyên là một phương pháp tốt để duy trì cân nặng vừa phải.

Yếu tố bảo vệ là bất cứ thứ gì làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng. Các yếu tố bảo vệ ung thư buồng trứng bao gồm:

Thuốc tránh thai đường uống: Dùng thuốc tránh thai đường uống có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng thấp hơn và nguy cơ này càng giảm khi người dùng thuốc này lâu hơn. Tuy nhiên, thuốc tránh thai có thể gây ra những nguy cơ sức khỏe khác, chẳng hạn như nguy cơ đông máu, đặc biệt ở những người hút thuốc.

Sinh con: Những người sinh con có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng thấp hơn so với những người không sinh con. Sinh con nhiều lần có nguy cơ thấp hơn so với sinh một lần.

Cho con bú: Những người cho con bú giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng, nguy cơ này tiếp tục giảm khi thời gian tiết sữa kéo dài hơn.

Thắt ống dẫn trứng hoặc cắt bỏ ống dẫn trứng: Đây là những thủ tục phẫu thuật để đóng hoặc cắt bỏ một hoặc cả hai ống dẫn trứng. Thực hiện một trong hai phẫu thuật có liên quan đến nguy cơ ung thư buồng trứng thấp hơn.

Một số phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư buồng trứng có thể chọn phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng để giảm nguy cơ. Đây là một thủ thuật nhằm cắt bỏ ống dẫn trứng và buồng trứng.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ báo cáo rằng phụ nữ sau mãn kinh có đột biến gene BRCA có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng tới 85 – 90% và ung thư vú tới 50% bằng phương pháp cắt bỏ buồng trứng để giảm nguy cơ.